Lượt xem: 2251
Bút kí: “hủ tíu gõ” trên từng cây số
Mỗi ngày bán từ sáng tới tối được khoảng trên dưới một trăm tô. Chi phí hết mỗi tô còn lời được hai ngàn rưỡi ba ngàn. Như vậy, mỗi ngày hai người bán dược hai trăm rưỡi, ba trăm ngàn. Thu nhập bình quân mỗi người từ một trăm hai đến một trăm rưỡi ngàn đồng bằng ngày công lao động chính. Cũng chính nhờ vào những tô hủ tiếu gõ, mì gõ đã tạo công ăn việc làm cho không ít nhiều người. Góp phần xòa đói giảm nghèo cho nông dân để đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

      Trong cuộc sống hội nhập, lo toan như bối cảnh xã hội hiện nay thì phần lớn người ta hay lựa chọn cho mình một số giải pháp thị trường tốt nhất là tiêu chí nhanh, rẻ, tiện lợi phù hợp cá nhân. Trong đó cũng cần kể tới vấn đề ăn uống. Trải dài từ Bắc ngang qua miền Trung khúc ruột chạy vuột ghé miền Đông thong dong vùng Tây Nam Bộ lội bộ cả quãng đường dài đâu đâu cũng mọc lên các quán ăn từ bình dân ven đường đến nhà hàng cao cấp. Nhìn chung đâu đó cũng nôm na các món quen thuộc nhưng cũng không kém phần phong phú của ẩm thực ba miền như: phở, cơm cháo, mì bún, bánh canh, gỏi cuốn, hoàng thánh; các loại nem chả, rồi còn có cả những món kho, lẩu cá thịt… Nhưng chuyện muốn đề cập ở đây ở đây là “hình tượng” của “hủ tíu gõ”. Theo được biết thì vào những năm của thập niên 80, sau giải phóng đất nước đang thời kì kiến thiết tiến lên chủ nghĩa xã hội, đời sống kinh tế của nhân dân còn rất khó khăn thì việc bươn chải kiếm cơm là chuyện thường tình. Những người có vốn liếng kha khá thì mở tiệm quán lớn bán hàng sang trọng còn kẻ “yếu cơ” hơn thì bán hàng rong ruổi khắp vỉa hè đường phố trong đó có các món ăn đủ chủng loại. Chắc có lẽ vì lí do đó mà nghề “hù tíu gõ” cũng được ra đời.



Quán hủ tíu gõ ở thị trấn Cù Lao Dung (Ảnh: T.Nhật)


      Thoạt nghe, người ta cừ tưởng rằng hủ tíu nấu với món gì đó đặc trưng. Không phải. Hay ăn xong rồi khách gõ muỗng đũa lên miệng tô ra hiệu kêu tính tiền nên mới gọi như vậy. Cũng không đúng. Mà đích thực nó là tô hủ tíu thịt như bao tô hủ tíu khác đó đây nhưng thay vì cất quán kê bàn sắp ghế bán thì họ lại đóng chiếc xe đẩy thùng nước súp to tướng sôi ùng ục tỏa khói nghi ngút thơm lừng với lỉnh khỉnh tô chén, muỗng đũa, rau ngò, thịt ớt…qua các ngõ đường góc chợ. Thường thì thấy món “hủ tíu di động” này, người lớn đảm nhiệm phần trụng nấu nhỏ thì cầm hai thanh tre hoặc gỗ, có khi là hai cái muỗng canh lật quay lưng vào nhau rồi đi xa thùng nước súp chừng năm ba chục thước gõ thanh công cụ đó thay cho lời rao để chào mời thực khách. Những chú nhóc cứ gõ đều đặn nhịp nhàng như vậy nghe rất vui tai. Những âm thanh “cách cách, keng keng…” và kĩ năng hơn nữa là một đoạn hòa tầu mê hồn. Người mua chỉ cần gọi hay ngoắc tay là chú bé quay về xe bưng lại ngay tô hủ tíu hay tô mì nóng hổi tỏa mùi hành ngò thơm phức hấp dẫn. Khách có thể ngồi ngay vỉa hè hay đang trong một quán giải khát nào cũng có thể thưởng thức món ăn bình dân giá rẻ này mà không cần ngồi ghế. Do vậy, mỹ từ “hủ tíu gõ” hay “mì gõ” lại được khai sinh.


      Hồi còn tiểu học, tôi thường theo mẹ lên thị xã Sóc Trăng chơi. Tối tối, người anh họ nay là cán bộ Sở Khoa học Công nghệ thường lấy xe đạp “quay đều quay đều những vòng xe…” (lời bài hát) chở tôi đi dạo. Hai anh em uống nước đá si-rô và thưởng thức món hủ tíu gõ này. Không riêng gì hủ tíu mà các loại mì cũng được nấu như vây. Tôi nhớ có lần bà chị họ con cô ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - nay định cư ở California (Mĩ) - hay giỡn: “Đi ăn mì ngó hông?”. Tôi chưng hửng. Mì ngó là mì gì vậy trời? Chắc là nó nấu với ngó của cây gì ngon lắm. Không những vậy chị còn tung thêm vài cú nữa: “Cho hai tô hủ tíu ngó đi. Cơm sườn ngó cũng được”. Rồi mải tôi mới biết nói như vậy là ý muốn chọc quê những người không có tiền dòm miệng người ta. Lấy mắt ngó người ta ăn chớ lấy tiền đâu mà mua. Thiệt tình sau này gặp lại chị tui hết muốn dám…ngó!


      Thế nhưng bây giờ khắp nơi từ nông thôn tối thành thị, người ta lại cho ra đời “hủ tíu gõ” kiểu mới. Đó là họ cất quán ngồi tại chỗ ăn có đủ ghế bàn gia vị hẳn hoi mà sao cũng treo bảng hiệu là“hủ tíu gõ”. Ban đầu nhìn thấy và hết sức ngạc nhiên vì họ đâu có…đi gõ. Thắc mắc này chưa biết“chấp vấn” ai thì có chuyến đi công tác ở vùng Nam Trung Bộ. Thuyết phục lâu lắm mới được anh bạn làng văn thả bộ hàng cây số để tìm hiểu xem ở đây có “gõ” như ở miền Tây không. Tôi lại một lần nữa…đứng hình! Một quán ăn ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng hướng lên đỉnh Langbiang huyền thoại vào buổi sáng thiết tha những dòng nhạc trữ tình: “Đường phố nào vừa đi đã mỏi, đường quanh co quyện gốc thông già" (Thành phố buồn – tác giả Lam Phương) cũng “ưỡn mình”giới thiệu: “Hủ tíu gõ”. Quay lại miền Đông ghé Định Quán (tỉnh Đồng Nai) cũng thấy “hủ tíu gõ” lai rai xuất hiện một số quán nhưng chủ nó lại…không gõ! Hấp tấp trở về đồng bằng gặp chú năm Hòa ở Cà Mau hỏi thăm thì được lão tướng tâm sự: “Đã nói là hủ tíu gõ thì phải đi gõ mời khách mới là điệu nghệ của nó. Còn bây giờ ghi chữ treo bảng hiệu vậy là nó làm trật lất”. Thật vậy, tôi tiến lên Sóc Trăng men theo quốc lộ 60 băng phà qua vùng sông nước huyện Cù Lao Dung để tìm hiểu thêm cho…đã khúc tò mò. Trong vai thực khách là một “phó thường dân Nam Bộ” ghé quán hủ tíu gõ của chị Yến ở chợ thị trấn với giá 10 ngàn đồng một tô. Ăn cũng đã thiệt. Cũng có vài lát thịt mỡ, bò viên; cũng giá hẹ rau thơm, cũng chanh ớt giấy lau đầy đủ…nhưng tất cả dừng lại có giới hạn và tiêu chuần bởi nó là món bình dân. Bình dân thì phải rẻ. Đã rẻ thì đồ dùng cũng phải…nhẹ tay! Tôi thắc mắc sao không có đi gõ mà lại ghi là “hủ tíu gõ” thì được chị phất tay cho…một chưởng:“Vì từ trước tới giờ người ta hiểu hủ tíu gõ, mì gõ là giá bình dân, nên ghi vậy khách biết mình bán giá rẻ họ sẽ ghé ăn”. Tôi điếng hồn lồm cồm vọt lên Vĩnh Long ghé một quán có bán nhiều thức ăn nhưng không quên “tô điểm” thêm mấy chữ: “Mì gõ”. Lần này tôi ăn mì. Cũng đem cái chuyện “gõ”ra hỏi thì được anh bảy Lâm chủ quán …bồi thêm một nhát: “Tại ghi cho vui!”. Lần này thì tôi…can đảm hơn, vận công lực dông tới Sài thành. Ở đây được anh Ngọc Hùng đã hơn năm mươi tuổi (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) gốc người Phúc Kiến – Trung Quốc định cư sinh sống ở Việt Nam thân yêu của chúng ta đã hai đời nhà họ thủ thỉ: “Hồi nhỏ ngộ cũng đi bán hủ tíu gõ với cha. Cầm thanh củi đi chào mời vui lắm. Có nhiều khách chơi sộp boa luôn mấy đồng tiền lẻ. Bây giờ cũng còn nhưng ít rồi. Người ta vô quán ngồi nghe nhạc ăn uống đàng hoàng, đâu có ăn ngoài đường mất vệ sinh lắm”. Nghe cũng có lí. Thảo nào, hủ tíu gõ bây giờ vắng bóng là vậy.  


      Trên những chuyến đi công tác ngược xuôi trên mỏi nẻo đường, tôi cũng thường ghé quán ăn cơm bình dân, hủ tíu…không ngó cũng…không gõ bởi nó rẻ mà ngon hợp với túi tiền lương công chức ít ỏi của mình. Mỗi lần như vậy, tôi thường hỏi thăm bà con buôn bán thế nào lời lóm ra sao thì được chia sẻ thân mật: “Rảnh rỗi mở tiệm bán nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày bán từ sáng tới tối cũng được khoảng trên dưới một trăm tô. Chi phí hết mỗi tô còn lời được hai ngàn rưỡi ba ngàn”. Tôi nhẩm tính, như vậy mỗi ngày hai người bán dược hai trăm rưỡi, ba trăm ngàn. Thu nhập bình quân mỗi người từ một trăm hai đến một trăm rưỡi ngàn đồng, bằng ngày công lao động chính, sống cũng được. Ngon hơn bán…ba khía! Cũng chính nhờ vào những tô hủ tiếu gõ, mì gõ đã tạo công ăn việc làm cho không ít nhiều người, góp phần xòa đói giảm nghèo cho nông dân để đạt tiêu chí xã nông thôn mới trong thời kì hội nhập.

Bài: Hoàng Tử Vân

THÔNG BÁO









VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH








  • Đang online: 85
  • Hôm nay: 1765
  • Trong tuần: 4 741
  • Trong tháng: 37 916
  • Tất cả: 2380119
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN CÙ LAO DUNG - TỈNH SÓC TRĂNG

    Địa Chỉ: Ấp Phước Hòa B, Thị trấn Cù Lao Dung, Huyện Cù Lao Dung, Tỉnh Sóc Trăng
    Số điện thoại: 02993.860.314 Văn phòng HĐND & UBND  - Email: vphdndubnd.huyencld@soctrang.gov.vn
    Ghi Rõ Nguồn " UBND Huyện Cù Lao Dung " Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.